preloader image

Các dịch vụ cho việc thành lập và hoạt động một công ty

Chào mọi người, sau quá trình thành lập công ty và sử dụng các dịch vụ của các bên cung cấp thì mình có tổng hợp lại các dịch vụ mà mình đã thử qua và có ghi trải nghiệm của bản thân để cho mọi người tham khảo.

Chưa chắc bài viết này đúng với tất cả mọi người vì mỗi công ty cung cấp một sản phẩm/dịch vụ khác nhau, thị trường cũng khác nhau, nên anh em đọc và tự ngẫm nhé.

1. Dịch vụ pháp lý thành lập, thay đổi công ty

Trước đây, mình dự định tự tay làm tất cả. Điều này khả thi và có thể làm một phần online thông qua cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp tại link này. Mọi người cần tạo tài khoản và được xét duyệt (thủ công) để có tài khoản này, sau đó đăng nhập và gửi các hồ sơ theo mẫu của cổng. Trên Youtube cũng có vài video hướng dẫn cách đăng ký kiểu này, các bạn có thể tự tìm nhé. Cách làm này chủ động, ít tốn chi phí.

Nếu bạn không có thời gian hoặc muốn thuê một bên khác thay mặt mình làm đăng ký doanh nghiệp thì các bạn có thể cân nhắc đến các dịch vụ của bên thứ ba. Mình đã làm việc với Replus và đánh giá mức giá hợp lý, nhanh gọn và thái độ nhiệt tình. Họ cũng xuất hoá đơn để ghi nhận chi phí này vào chi phí doanh nghiệp mới của bạn luôn. Giá bữa mình làm hình như là 1,4 triệu gồm VAT (giá ưu đãi), trong vòng 5 ngày là có giấy phép kinh doanh. Ngoài thành lập mới thì bên này có cung cấp dịch vụ thay đổi thông tin công ty như đổi tên, đổi vốn, đổi ngành, đổi mô hình (giữa CP và TNHH)... Cũng có nhiều bài viết về việc thành lập công ty ở Singapre, các anh chị có thể tìm lại nhé.

2. Dịch vụ kế toán

Các dịch vụ kế toán như xuất hoá đơn VAT cho khách hàng, tư vấn hợp đồng, báo cáo thu chi… hiện tại mình thấy có ít đơn vị bên ngoài cung cấp. Thường các bạn sẽ phải thuê freelancer hoặc nhân viên fulltime cho các dịch vụ này. Đối với một doanh nghiệp nhỏ, mới thì nên thuê freelancer/part-time thông qua network giới thiệu để tin tưởng hơn.

Giá thuê nhân viên bán thời gian từ 1tr-3tr/tháng tuỳ việc bạn deal với nhân viên và phạm vi công việc như thế nào.

3. Dịch vụ báo cáo thuế mỗi tháng/quý

Các công ty cung cấp dịch vụ pháp lý (mục 1) thường cung cấp dịch vụ báo cáo thuế này luôn. Mọi người tránh nhầm lẫn với dịch vụ kế toán nhé. Thường các công ty chỉ cung cấp dịch vụ báo cáo thuế (theo quý) và tính tiền dựa vào số lượng hoá đơn đầu ra đầu vào, chứ không cung cấp dịch vụ kế toán (mục 2).

Do đó công ty Replus hoặc các công ty khác đều có cung cấp dịch vụ báo cáo thuế này. Mình không dùng dịch vụ này của Replus vì mình thuê kế toán riêng.

Nếu các bạn đã thuê nhân viên làm dịch vụ kế toán (mục 2) thì nên để bạn đó làm dịch vụ báo cáo thuế luôn là hay nhất.

4. Dịch vụ thuê văn phòng thật, ảo

Nếu các bạn chỉ cần địa chỉ văn phòng thì có thể thuê văn phòng ảo. Văn phòng ảo sẽ cung cấp cho các bạn một địa chỉ để đăng ký kinh doanh, nhận thư từ, cho thuê phòng họp hoặc cho dùng chỗ tiếp khách. Giá thuê văn phòng ảo của Replus gần 8 triệu/năm.

Nếu các bạn cần văn phòng thật cho nhân viên ngồi thì có thể dùng các co-working space như Up, Toong… hoặc tìm các gói hỗ trợ startup của chính phủ với giá rất mềm.

5. Hoá đơn điện tử

Hiện tại hoá đơn điện tử là bắt buộc. Có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử như Viettel, FPT, Misa… với chất lượng tương đương nhau. Chọn đơn vị nào thì hoàn toàn dựa trên giá cả, mức độ tiện dụng và hệ sinh thái của nhà cung cấp. Mình chọn Viettel với hoá đơn 300 số với giá 1.4tr.

6. Chữ ký số

Tương tự như hoá đơn điện tử, chữ ký số là bắt buộc và có hàng tá các đơn vị cung cấp chữ ký số (dùng với usb token) như Viettel, FPT, Misa… hoặc các công ty nho nhỏ khác. Mình chọn gói Viettel với giá hơn 3 triệu cho 4 năm. Giá này đã bao gồm mọi chi phí kể cả cái USB.

Lưu ý: hiện tại toàn bộ các dịch vụ chữ ký số trên thị trường đều không dùng được với hệ điều hành MacOS. Anh chị em nào dùng Mac thì cần mua thêm máy tính Windows hoặc cài máy ảo Windows trên Mac để ký.

7. Hợp đồng điện tử

Hợp đồng điện tử là tuỳ chọn, dùng hay không là tuỳ mọi người. Như mình hoạt động trong lĩnh vực B2B, khách hàng ở xa, đôi khi là khách hàng nước ngoài, nên hợp đồng của mình thích hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng giấy.

Ưu điểm của hợp đồng điện tử là ký online, không cần chuyển phát giấy tờ, rất phù hợp cho ai không muốn in ấn đóng dấu hoặc những ai ký hợp đồng xuyên biên giới.

Mình thấy các đơn vị như Viettel, FPT, Misa đều cung cấp dịch vụ này với giá cũng vừa phải, tầm 2 triệu/100 hợp đồng.

Tuy nhiên, mình không dùng dịch vụ của các bạn này, mà mình dùng chữ ký số ở mục 6, ký lên file hợp đồng PDF thông qua phần mềm Foxit Reader trên hệ điều hành Windows (Foxit trên MacOS ký sẽ bị lỗi, mình đã mày mò suốt 1 tháng kể cả liên lạc với Foxit đều không giải quyết được, do việc lưu trữ Trusted Certification của MacOS hơi khác Windows). Bằng cách này thì có thể vẫn ký được hợp đồng điện tử nhưng không dùng các dịch vụ của các đơn vị kia, và vẫn có giá trị pháp lý.

8. Dịch vụ thiết kế logo

Có rất nhiều công ty thiết kế logo trên thị trường. Onerity của mình cũng có cung cấp dịch vụ này. Nhưng nếu anh chị chưa quan trọng đến logo của doanh nghiệp hay sản phẩm thì có thể tạm thời chưa cần quan tâm đến bước này, mà tập trung vào xây dựng sản phẩm.

9. Dịch vụ thiết kế website của doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm

Nếu website của doanh nghiệp, hoặc giới thiệu sản phẩm, hoặc bán hàng của bạn không cần quá khác biệt thì một lựa chọn mang tính tốt nhất ở thời điểm hiện tại, theo mình là Haravan hoặc các đơn vị tương tự Haravan. Haravan dùng tốt cho các shop bán hàng online, cho các doanh nghiệp cần một trang web giới thiệu công ty, sản phẩm. Haravan có API tích hợp với các đơn vị thanh toán online và vận chuyển nên cũng rất dễ cho các bạn bán hàng thương mại điện tử. Giá của Haravan thì tuỳ gói, nhưng tầm 3-7tr/năm bao gồm chi phí sử dụng phần mềm, hosting của họ.

Nếu các bạn chỉ cần một trang HMTL tĩnh để giới thiệu công ty sản phẩm và các bạn có kỹ năng html căn bản thì cân nhắc dùng các theme ở Themeforest. Giá cũng rẻ, giao động từ 1-3tr/cái.

Nếu không có nhiều chi phí và muốn tự code hoặc muốn nhắm đến thị trường toàn cầu thì cân nhắc dùng Wordpress hoặc Shopify. Ưu điểm của WP là tối ưu chi phí, tốt cho các trang thị trường quốc tế (Haravan chưa tối ưu cho thị trường quốc tế).

10. Dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ

Nếu sản phẩm của các bạn là sản phẩm số và cần các công việc như đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… thì Nacilaw là một đơn vị uy tín và thái độ rất chuyên nghiệp. Mình đánh giá cao đơn vị này.

Điểm đặc biệt là họ có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước, nên có nhiều cái hay lắm.

11. Dịch vụ tư vấn và xây dựng sản phẩm

Nếu các bạn đang xây dựng một sản phẩm hi-tech mà chưa có sẵn đội ngũ inhouse hoặc đội ngũ inhouse chưa đủ mạnh thì thuê ngoài là giải pháp hợp lý để test thị trường.

Nếu các bạn cần tư vấn sản phẩm (để xây một sản phẩm market-fit), cần dịch vụ thiết kế UI UX design mang lại trải nghiệm cao cho người dùng thì các bạn có thể chọn Onerity (là công ty của mình). Nếu các bạn cần một đơn vị lập trình uy tín, giá cả phải chăng thì có thể chọn Wiicamp.

alt

12. Dịch vụ giải thể công ty

Tương tự như dịch vụ thành lập công ty, Replus có cung cấp dịch vụ giải thể công ty cho mọi người lựa chọn. Theo kinh nghiệm của mình, nếu đụng đến các quy trình có dính đến các cơ quan ban ngành thì nên thuê, vì các đơn vị này làm việc với các cơ quan đó “mượt” hơn mình. Với cả các anh chị em có thể rảnh tay để tập trung vào việc khác, ai cũng chỉ nên tập trung vào thứ mình giỏi nhất thì sẽ tạo ra được một cộng đồng chuyên môn cao hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, trên FB dạo này đang thấy có nhiều dịch vụ đi thu mua công ty giải thể với giá 2-4tr/công ty. Anh chị em có thể nghiên cứu thêm.

Trên đây là một vài trải nghiệm mang tính cá nhân, muốn chia sẻ với mọi người để giúp mọi người có thể tiết kiệm được thời gian, hy vọng mang lại giá trị cho cộng đồng.

Mọi ý kiến xây dựng đóng góp hoặc đưa thêm thông tin về các đơn vị khác, vui lòng bình luận thêm, nếu mình thấy phù hợp sẽ copy cập nhật lên bài này để giúp các anh chị sau thành lập công ty thì đỡ mất công tìm kiếm lâu. Thanks.

Author: Long Nguyễn